Nói vậy nhưng khi thấy Quế Lâm dường như đang mang nặng một nỗi niềm riêng tư nào đó không muốn nói nên bà gặng hỏi:
- Mẹ hỏi thật con, chứ con với thằng Bảo có gì giấu mẹ hay không?
Quế Lâm vội lắc đầu:
- Chúng con có chuyện gì phải giấu mẹ đâu chứ.
Bà Khoa gặng hỏi thêm:
- Thằng Bảo nó có thường đi chơi đêm hay không?
Quế Lâm đáp ngay:
- Dạ không đâu. Hết giờ làm việc là ảnh về nhà ngay, không có đi chơi đâu hết ạ.
Tỏ vẻ không tin, bà lý lẽ:
- Chẳng lẽ nó không có tiếp khách ngoài giờ, hoặc quan hệ với ai sao?
Quế Lâm ngần ngừ:
- Dạ cũng có. Nhưng rất hiếm mẹ à.
Nhìn vẻ mặt Quế Lâm dường như không thật cho lắm, nhưng không tiện gặng hỏi nên bà đành gác lại. Lát nữa, chờ Hoài Bảo về đây, bà sẽ điều tra tiếp.
Thấy Quế Lâm vẫn ngồi yên đó, bà Khoa nhẹ nhàng bảo:
- Con cứ về phòng nghỉ một chút đi, đừng lo cho mẹ. Chờ chút nữa thằng Bảo về rồi mình cùng ăn cơm luôn.
Quế Lâm đứng lên:
- Vậy mẹ nghỉ đi, con về phòng. Bao giờ anh Bảo về, con sẽ sang gọi mẹ.
Bà Khoa ngả lưng xuống giường một cách thoải mái rồi từ tốn nói:
- Ừ. Chừng nào thằng Bảo về thì sang gọi mẹ.
Quế Lâm vừa đi ra cửa vừa đáp lời bà:
- Vâng.
Cánh cửa phòng vừa khép lại, bà Khoa không nghỉ mà nằm suy nghĩ về khoảng thời gian vừa qua. Ít khi thấy Hoài Bảo và Quế Lâm cùng về thăm bà. Chẳng hạn như hôm nay, cô tự đi xe đến đây, rồi đến chiều hai đứa lại đi riêng xe về, thật đáng để bà nghi ngờ lắm.
Nghe tiếng chân người ngoài hành lang, bà biết ngay là Hoài Bảo. Anh đang đẩy cửa thật nhẹ bước thật êm vào, chắc là Bảo nghĩ bà đang ngủ.
Thấy mẹ vẫn còn thức, Hoài Bảo đến bên giường, ngồi bên cạnh bà rồi hỏi với giọng quan tâm:
- Mẹ vẫn khỏe chứ ạ?
Bà Khoa cười hiền:
- Mẹ vẫn khỏe. Con mới đi làm về à?
Hoài Bảo bóp bóp nhẹ đôi chân của bà:
- Dạ, con mới về đến.
Bà Khoa dò hỏi:
- Con có sang phòng vợ con chưa?
Hoài Bảo thủng thẳng đáp:
- Con vừa về đến là đến thăm mẹ ngay ạ.
Bà Khoa vừa nói vừa chú ý nét mặt của con trai:
- Mẹ và Quế Lâm đi siêu thị cả buổi sáng nay. Đi chung với nó, mẹ thấy nó không được khỏe lắm. Con có chở vợ con đi khám bác sĩ hay không vậy con?
Hoài Bảo đặt chuyện:
- Con có nhắc Quế Lâm chớ. Nhưng vợ con nói là không có bệnh, nên không chịu đi khám mẹ à.
Bà Khoa hỏi tiếp:
- Vậy con có định cho nó đi làm hay không?
Hoài Bảo thoải mái:
- Tùy Quế Lâm thôi mẹ à. Bao giờ cổ muốn đi làm cũng được con không ép cổ.
Thật ra thì từ hôm xảy ra chuyện những tấm ảnh cho đến nay, Hoài Bảo ít khi nói chuyện với Quế Lâm. Anh đi làm từ sáng cho đến chín mười giờ tối mới về để tránh gặp mặt cô, cho dù trong lòng anh cũng ray rứt lắm. Tiền anh đưa cô chi dụng cô cũng không nhận. Đúng là một cô vợ bướng bỉnh.
Bà Khoa nhắc lại:
- Con là chồng nó, có nhiều chuyện con phải quyết định thay nó chứ. Con nói chuyện cứ như con và Quế Lâm không có quan hệ gì cả vậy.
Hoài Bảo tự bào chữa cho mình:
- Con nói vậy là do con tôn trọng sự lựa chọn của Quế Lâm đấy ạ. Con không muốn ép buộc cô ấy.
Bà Khoa bắt bẻ:
- Cưới nhau lâu rồi mà con vẫn gọi vợ mình là cô ấy, vậy mà nghe được sao?
Hoài Bảo cười cầu hòa:
- Tại con nói chuyện với mấy cô nhân viên trong công ty quen với cách xưng hô như vậy rồi nên đôi khi con quên. Mẹ nhắc rồi con sẽ nhớ.
Thấy cử chỉ và cách trả lời lưu loát của Hoài Bảo, bà Khoa thấy hơi yên tâm hơn. Bà nói nhỏ với con trai:
- Con có để ý đến Quế Lâm không? Mẹ cảm thấy dạo gần đây hình như nó có chuyện gì đó buồn buồn. Mẹ muốn con cho nó đi làm ngay đi, không chừng tại vì nó thích đi làm mà không dám nói với con.
Nghe mẹ nói như vậy, Hoài Bảo hứa hẹn:
- Dạ được. Có thể thứ hai đầu tuần sau con sẽ sắp xếp cho Quế Lâm đi làm.
Như nhớ lại, bà Khoa nói luôn:
- Quế Lâm có nói với mẹ là nó có một người bạn rủ nó vào làm chung trong ngân hàng. Mẹ nói chắc là con không đồng ý đâu. Rồi nó cũng bỏ qua ý định đó luôn.
Hoài Bảo thầm hiểu Quế Lâm có suy nghĩ như thế cũng đúng, vì như vậy anh và cô đỡ gặp mặt nhau hơn, mọi chuyện cũng đỡ khó xử hơn. Nhưng chuyện này đúng là không thể nào thực hiện được vì giữa anh và cô còn có mẹ anh, bà sẽ chẳng bỏ qua cho một chuyện đáng ngờ như thế đâu. chắc chắn bà sẽ tìm hiểu và biết tất cả. Chắc anh phải chủ động nói chuyện với cô, bảo cô đến làm chung với anh thôi. Đó là hướng giải quyết tốt nhất khi anh và cô còn chưa ly dị.
Nãy giờ mãi nói về Quế Lâm, giờ bà Khoa mới quan tâm đến con trai:
- Lúc này chuyện công ty có vất vả lắm không con?
Hoài Bảo gật đầu:
- Dạ, công việc cũng nhiều.
Bà Khoa nắm lấy tay con, trìu mến như anh còn nhỏ lắm:
- Dạo này trông con cũng gầy lắm. Mẹ nghĩ hay là con và vợ con nên đi Đà Lạt nghỉ mát một vài ngày cho thay đổi không khí đi con.
Hoài Bảo lắc đầu:
- Con biết mẹ lo cho tụi con, nhưng ngay lúc này con chưa thể đi được đâu mẹ ạ. Chắc có lẽ vài tháng nữa con mới đi chơi được.
Bà Khoa có vẻ hơi buồn:
- Mẹ biết thế nào con cũng từ chối, nhưng mẹ cứ nói. Mẹ không muốn con phí sức. Cả Quế Lâm cũng vậy, nó cũng nói như con.
Hoài Bảo an ủi mẹ:
- Con đã lớn rồi con tự biết lo cho mình mà, mẹ an tâm nhé mẹ - Rồi anh nói như lúc còn bé xíu - Con đói lắm rồi mình đi ăn cơm chứ mẹ.
Bà Khoa tỏ ý bằng lòng rồi bà nhắc nhở:
- Con sang gọi vợ con đi,mẹ sẽ xuống ngay.
Hoài Bảo cảm thấy khó chịu khi sang phòng Quế Lâm, nhưng anh cố mỉm cười để che giấu:
- Mẹ khỏi nhắc con cũng nhớ đó là nhiệm vụ của con mà.
Nói xong, anh đứng lên đi sang phòng Quế Lâm. Vài phút sau mọi người quây quần bên nhau trong phòng ăn, với bầu không khí ấm áp và hạnh phúc, có pha lẫn sự bắt buộc, chẳng thật lòng.
Quế Lâm đi làm đã hơn một tháng rồi. Cô không ngồi văn phòng chung với Hoài Bảo, mà cô xin sang phòng hướng dẫn du lịch để đi đây đi đó vừa phù hợp trình độ của cô, và không phải đối mặt với Hoài Bảo mỗi ngày.
Sáng hôm nay, Quế Lâm xách một túi du lịch thật gọn, cô nói với Hoài Bảo cũng như mọi khi cô đi công tác ở đâu cô đều nói với anh, nói theo cách lịch sự chứ không thân thiện.
- Hôm nay em đi công tác, vài ngày em mới về.
Hoài Bảo tỏ vẻ lạnh lùng, và trong lòng anh cố nhớ coi Quế Lâm đi công tác ở đâu nhưng anh không nhớ nổi. Anh thờ ơ đáp:
- Vậy à!
Chỉ nói bao nhiêu đó rồi Quế Lâm đi thẳng ra cửa cùng với chiếc xe của mình đến công ty. Quế Lâm đi rồi, Hoài Bảo ngồi chẳng được yên, anh khóa cửa lại rồi cũng đi làm.
Vào văn phòng, anh xem lại lịch trình đi công tác. Anh nhìn thấy đúng ngày hôm nay có ghi.
Hôm nay Quế Lâm đưa một du khách đi Sapa, chuyến du lịch này có thể là một tuần lễ.
Chỉ có một mình trong văn phòng, Hoài Bảo lẩm nhẩm:
- Chỉ đưa một du khách đi Sapa mà đến một tuần lễ. Vậy du khách này là đàn ông hay đàn bà?
Trong lòng nghĩ như vậy, Hoài Bảo liền ấn nút số phòng kế hoạch:
- Tôi cần gặp Anh Kha gấp!
Vài phút sau, Anh Kha trưởng phòng kế hoạch đã lên phòng giám đốc, anh từ tốn hỏi:
- Giám đốc cần gặp tôi.
Hoài Bảo hỏi:
- Tôi muốn hỏi anh, bà xã tôi đã đi Sapa chưa?
Anh Kha đáp nhanh:
- Dạ, Quế Lâm vừa đi khoảng một tiếng đồng hồ.
Anh Kha gọi như vậy vì trong phòng kế hoạch rất thân với Quế Lâm, cô không muốn ai gọi mình bằng bà giám đốc, cô chỉ muốn gọi cô bằng tên mà thôi.
Tuy đã biết rồi nhưng Hoài Bảo hỏi lại:
- Chuyến đi này có mấy người?
Nghe giám đốc hỏi kỹ như vậy, gương mặt Anh Kha có vẻ lo lắng:
- Dạ chỉ một du khách, và một tài xế thôi.
- Du khách ở đâu, tên gì? - Giọng của Hoài Bảo khô khan.
Anh Kha vừa đáp vừa giải thích:
- Anh ấy là thầy giáo cũ của Quế Lâm tên là Chí Văn. Anh ta đưa ra yêu cầu chỉ thích Quế Lâm là hướng dẫn mà thôi. Tôi sợ không tiện, lúc đó tôi định lên gặp giám đốc để hỏi qua ý kiến, nhưng Quế Lâm đã cản lại, cô nói để cô về nhà nói lại với giám đốc.
Sự việc đã như vậy, Hoài Bảo đành nói hướng theo:
- Có, Quế Lâm có nói với tôi. Nhưng hôm đó tôi say quá nên không để ý. Vì vậy cho nên hôm nay tôi hỏi cặn kẽ một chút - Rồi Hoài Bảo nói tiếp như ra lệnh - Thôi, anh về phòng làm việc đi. Anh trình bày kỹ như vậy, tôi an tâm rồi.
Khi cánh cửa phòng đã khép lại, Hoài Bảo vỗ bàn với gương mặt bực tức:
- Lại Chí Văn, đi Sapa thành phố mờ sương, thật là quá đáng.
Nói xong với cơn bực tức đó, Hoài Bảo rời khỏi phòng, chẳng biết anh đã đi đâu, về đâu.
Đến Sapa nắng cũng vừa tắt dần, Quế Lâm đã thuê ba phòng trọ cạnh nhau, một cho tài xế, một cho Chí Văn và một cho cô.
Ngồi trong quán cà phê lưng chừng đồi treo đầy dẫy những nhánh phong lan vàng, tím với mùi thơm thoang thoảng. Vừa nhâm nhi ly cà phê, Chí Văn vừa hỏi Quế Lâm:
- Ngày mai em dẫn thầy đi đâu vậy?
Quế Lâm đã đến đây nhiều lần nên cô nói với ánh mắt mơ màng:
- Sáng ngày mai, thầy phải thức thật sớm mới nhìn thấy đườc trong màn sương sớm cảnh vật trông thật lãng mạn và quyến rũ đến lạ kỳ. Rồi chúng ta sẽ đi dạo qua nhà thờ Sapa... - Với vẻ mặt riếc rẻ, Quế Lâm nói tiếp - Mùa này chúng ta không thám hiểm đỉnh Phan-xi-păng vì mùa mưa này rất là trơn trợt và nguy hiểm.
Chí Văn hỏi tiếp:
- Rồi chúng ta có đi chợ Sapa không?
Quế Lâm gật đầu:
- Vâng! Chúng ta sẽ đi chợ phiên Sapa rơi vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật, nhiều người gọi đây là "chợ tình". Thực ra, nhu cầu giao lưu tình cảm thì bất kỳ ở chợ vùng cao nào cũng có. Những cô gái da đỏ thường mặc trang phục sặc sỡ với hoa văn đầy vẽ bằng sáp ong. Còn người Hơ-mông lại dùng nhiều mũi thêu tinh xảo để làm nổi bật trang phục của mình.
Với nghề nghiệp của mình, Quế Lâm nói tiếp:
- Nếu thầy muốn thật sự tìm hiểu chơ phiên của người dân tộc thiểu số thì phải nên đi Simacai. Từ Sapa này lên đến đó gần một trăm ki lô mét, thầy ạ.
Chí Văn tỏ vẻ thích thú:
- Vậy chúng ta đi trong ngày về có được không?
Quế Lâm gật đầu:
- Dạ được.
Với vẻ mặt đắn đo, Chí Văn hỏi:
- Nhưng mà trong hợp đồng không có đi chợ phiên Simacai, như vậy có trở ngại gì cho em không?
Quế Lâm lắc đầu:
- Khi về công ty, chúng ta sẽ ký một hợp đồng nữa - Rồi Quế Lâm hỏi thẳng - Hay là thầy ngại vấn đề tiền bạc?
Chí Văn mỉm cười:
- Thầy chỉ sợ em bị phê bình thôi, chứ không phải ngại về chuyện tiền bạc đâu.
Nghe Chí Văn nhắc đến đây, Quế Lâm cảm thấy buồn. Vì Hoài Bảo chẳng thèm hỏi cô đi công tác ở đâu, với ai. Anh rất thờ ơ và cũng chẳng cần quan tâm đến cô. Vì vậy, cô muốn đi càng lâu càng tốt. Cô chẳng muốn về nhà chút nào. Cho nên cô gượng cười nói:
- Được thêm một hợp đồng nữa, công ty sẽ thưởng cho em chứ sao lại phê bình em được.
Chí Văn thoải mái:
- Vậy là thầy mừng rồi! - Và giọng Chí Văn ngọt ngào - Quế Lâm! Em uống cà phê đi chớ.
Quế Lâm nghe xao động bởi giọng nói của anh:
- Vâng! Cám ơn thầy.
Chí Văn thân mật hơn và có chút pha trò:
- Nếu biết trước, ngày xưa thầy không dạy Quế Lâm đâu?
Quế Lâm ngẩn ngơ hỏi:
- Sao vậy thầy?
Chí Văn cười và mạnh dạn nói:
- Vì thầy chẳng muốn suốt đời làm thầy của Quế Lâm...
Với câu nói xa gần đó, Quế Lâm làm sao không hiểu. Nhưng cô là người con gái đã có chồng thì làm sao cô dám nghĩ đến ai. Khi cô và Hoài Bảo chưa dứt khoát rõ ràng thì cô không muốn sự việc rối ren thêm.
Thấy nét thẹn thùng trên gương mặt Quế Lâm, Chí Văn chẳng ngại ngùng anh nói thật:
- Quế Lâm! Anh nghĩ từ lâu chắc em đã hiểu lòng anh. Anh thật sự thích em từ lúc em mới học năm đầu. Nhưng anh thấy tình yêu ấy chưa tới lúc phải bày tỏ, nên đành gác lại cho tới mãi bây giờ. Em hiểu chớ?
Quế Lâm nhìn Chí Văn bằng ánh mắt vừa thông cảm, vừa khó xử. Cô từ tốn nói:
- Thầy à! Em không xứng đáng với thầy đâu, bởi vì cuộc đời em rất phức tạp.
Với vẻ trầm tư, Quế Lâm nói tiếp:
- Hiện giờ em chưa thể giãi bày hết được. Nhưng chắc có lẽ một ngày nào đó thầy sẽ hiểu thêm.
Giọng Chí Văn vẫn ngọt ngào:
- Chẳng lẽ bao nhiêu năm rồi em không tin tưởng anh sao Quế Lâm?
Quế Lâm lắc đầu buồn buồn:
- Em vẫn đặt nơi thầy cả một niềm tin. Nhưng trở ngại là do em, em chưa thể nói được.
Chí Văn khẩn khoản:
- Anh muốn chia xẻ nỗi buồn đó với em, Quế Lâm ạ.
Quế Lâm cũng tự nhiên đổi cách xưng hô:
- Cám ơn anh Văn đã quan tâm. Nhưng em đã quen rồi, không dám làm phiền anh đâu.
Chí Văn thân thương:
- Nhìn đôi mắt em anh đã thấy được nỗi buồn mênh mông trong đó, nhưng anh không nghĩ như vậy, vì cuộc sống của em đâu có gì để buồn khổ. Nào ngờ bên trong có nỗi buồn riêng.
Quế Lâm vẫn im lặng nhìn theo ngọn gió làm đong đưa những nhánh phong lan mà nghe lòng buồn rười rượi.
style="padding-top: 15px;">class="sig_02">class="sig_03">class="sig">class="signature_div">class="sig_05">class="sig_06">