Chí Văn lại thì thầm:
- Quế Lâm! Anh sẽ chờ đợi em, chờ đợi một ngày nào đó em đồng ý để em chia sẻ những vui buồn trong em. Hãy nhớ lúc nào anh cũng chờ đợi em!
Quế Lâm chỉ mỉm cười một nụ cười vu vơ. Cô không hứa hẹn cũng chẳng từ chối bởi vì cô chưa biết được tương lai cô sẽ ra sao?
Gió càng lúc càng thổi mạnh. Nhìn dáng vẻ Quế Lâm ngồi co ro trông có vẻ lạnh, Chí Văn lo lắng nói:
- Mình về phòng nghỉ nhé, Quế Lâm! Ngày mai chúng ta còn khởi hành đến Simacai thật sớm.
Quế Lâm gật đầu:
- Vâng.
Rồi hai người rời khỏi quán cà phê khi sương mù càng lúc càng rơi dày đặc trong bầu không khí thật là lạnh lẽo của màn đêm.
Sáng hôm sau, Chí Văn và Quế Lâm đã đến phiên chợ Simacai cũng bắt đầu vào sáng chủ nhật. Từ xa nhìn lại, Chí Văn thấy toàn những túp lều tranh nằm san sát nhau thành từng hàng giữa khu núi hoang dã.
Nhìn vẻ thích thú của Chí Văn, Quế Lâm giới thiệu sơ về phiên chợ Simacai:
- Chợ Simacai thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách Trung Quốc bởi con sông trắng (thượng nguồn của sông Chảy). Do vị trí sát biên giới nên khách nước ngoài không được đến đây. Vả lại, hệ thống giao thông, vận chuyển rất khó khăn nên chẳng có mấy khách nào thích đến nơi đèo heo hút gió này để du lịch. Nhờ vậy, chợ ở đây vẫn giữ được nét hoang sơ đặc thù vốn có của nó.
Khi hai người bước vào chợ, Chí Văn hoa mắt như đi giữa một vườn hoa khổng lồ đầy màu sắc bởi hàng trăm bộ váy hoa sặc sỡ của các cô gái H"mông và những chiếc áo xanh dương, quần lục của các cô gái Nùng cùng những chiếc khăn búi thành lọn cao trên đầu của các cô gái La Chí...
Chí Văn trêu Quế Lâm:
- Anh mua cho em một bộ nhé Quế Lâm?
Quế Lâm mỉm cười đáp:
- Anh thích thì cứ mua một bộ để làm kỷ niệm.
Chí Văn cũng cười nói:
- Bao giờ em mặc thì anh mới mua.
Quế Lâm cũng vui vẻ đáp:
- Bao giờ có điều kiện lên đây ở luôn thì em sẽ mặc. Còn ở dưới thành phố mình thì em thật không dám đâu.
Đi dạo một lúc, Chí Văn thấy đa số là người H"mông, một phần nhỏ là người La Chí, Nùng, Phù lá... một ít người Kinh, người Trung Quốc sang buôn bán. Tuy không chia thành từng khu riêng biệt nhưng mé ngoài chợ thường tập trung các cô gái La Chí bán lạc rang, ổi, ớt... Người Kinh bán trà, thuốc lào. Thuốc lào được chất thành từng đống lớn, bên cạnh có để vài cái ống điếu.
Chí Văn và Quế Lâm dừng lại chỗ các ống điếu, Chí Văn cầm lên quan sát.
Quế Lâm ghẹo anh:
- Anh hút thử đi Chí Văn?
Chí Văn lắc đầu mỉm cười:
- Không biết hút sẽ say đấy.
Rồi anh ngắm nghía ống điếu kỹ hơn, ống điếu được làm từ thân tre đực lớn và dài hơn nửa thước.
Chí Văn càng ngạc nhiên khi thấy các anh H"mông chẳng cần hỏi han ai cứ tự nhiên rút sợi thuốc bỏ vào ống điếu kéo sòng sọc. Thấy được thì cứ "Ixa, aoxa" (tiếng H"mông có nghĩa là 100không, 2000 đồng). Có ghiền thuốc mà không có tiền cũng chẳng sao, cứ ngồi đó kéo tì tì hết điếu này sang điếu khác cũng chẳng ai nói gì, vì ở đây chưa bao giờ mất cắp.
Quế Lâm và Chí Văn đi vào sân lớn giữa chợ là nơi người H"mông bán váy hoa và chỉ thêu, bán rượu... Tất cả xếp hàng từng dãy, mỗi dãy bán một món hàng. Dãy bàn rượu phần đông là trẻ em và phụ nữ, ít thấy đàn ông. Những bà cụ lụm cụm, các cô gái còn rất trẻ địu con sau lưng , đến những chú nhóc chỉ chừng mười , mười hai tuổi tự nhiên chúm môi thử rượu một cách ngon lành.
Chí Văn cũng chúm môi thử một chút rượu rồi anh nói với Quế Lâm:
- Cũng là rượu nhưng rượu ở đây ngon và nặng hơn so với rượu ngô ở Đồng Văn, ở Cao Bằng.
Dãy cuối chợ là nơi bán đồ ăn uống, cũng bán bún, phở và cơm. Quế Lâm và Chí Văn đến phía góc chợ là hàng "thắng cố" với giá năm ngàn đồng một bát. Quế Lâm thấy món này là lạ, cũng giống món phá lấu nhưng không nêm gia vị. Cô rủ Chí Văn:
- Anh Văn mình ăn thử món này xem.
Chí Văn gật đầu.
Ông chủ quán đem ra hai bát. Nhìn hai người ăn một cách khó khăn, ông bật cười lớn:
- Món này, mày ăn một lần không quen đâu. Nhưng ăn đến lần thứ ba thứ tư mày mới nghiện. Vì thịt lòng, gan ruột cỏn tươi nóng được bỏ thẳng vào nồi xương nên món "thắng cố" có mùi rất đặc trưng.
Quế Lâm cảm thấy khó nuốt bởi vì nó có mùi rất nặng. Cô nhìn ông chủ quán đang tán dương món ăn của mình, mà chỉ cười không nói gì.
Dù cố gắng lắm, Quế Lâm và Chí Văn cũng không ăn hết được chén "thắng cố". Chí Văn lịch sự trả tiền tận tay ông chủ quán rồi hai người đi dần ra đầu chợ.
Phía ngoài chợ, nơi gần đồn biên phòng là chỗ bán gia súc, nơi đây ồn ào và ngộ nghĩnh nhất. Những con ngựa cột thành hàng dài thi nhau hí loạn xạ, người địu dê sau lưng, người cầm dây buộc lợn, buộc gà dắt đi tung tăng như người dưới xuôi dắt chó đi dạo. Người mua săm soi vỗ lưng , vạch răng con vật, người bán im lặng không rao, không than phiền. Ở đây bán không cân ký, ai ưng con nào chỉ con đó rồi ra giá, không kèo nài.
Quế Lâm và Chí Văn chợt ngẩng lên lắng nghe xa xa tiếng sáo mèo, tiếng khèn dìu dặt trữ tình vang lên giữa phiên chợ đông đúc. Đến nơi, Quế Lâm và Chí Văn bỡ ngỡ vì những âm thanh mơn trớn ấy lại phát ra từ cái cassette cũ mèm của một anh chàng Trung Quốc bán dao, ổ khóa, đĩa vít...
Quế Lâm và Chí Văn rời khỏi chợ phiên Simacai khi mặt trời vừa đứng bóng, trông hai người có vẻ mệt lắm nhưng gương mặt đầy sự thích thú.
Vừa về đến cửa nhà, Quế Lâm nghe tiếng cười của một phụ nữ tiếp đến là tiếng nói của Hoài Bảo.
- Hổm nay ngày nào em cũng đến đây nấu cơm cho anh ăn. Nay mai Quế Lâm về anh không biết xử lý sao đây.
Lại giọng của một phụ nữ:
- Thì em vẫn đến đây như thường lệ, bởi vì Quế Lâm cũng đâu có quan tâm chăm sóc cho anh, thì cô ấy giành anh để làm gì chớ?
Tiếng nói của Hoài Bảo:
- Còn mẹ anh nữa, Bách Điệp ạ! Chứ đâu phải riêng chỉ mình anh.
Giọng Bách Điệp nũng nịu:
- Anh cứ đưa em gặp mẹ đi, em sẽ trình bày tất cả. Tại Quế Lâm đa tình, có chồng rồi còn lăng nhăng, lúc trước thì chụp hình chung với thầy Văn ở Vũng Tàu, còn cả tuần nay lại đi Sapa với thầy ấy, thật là quá đáng mà.
Hoài Bảo nhân nhượng:
- Tại công ty cử Quế Lâm đi. Chứ nếu không cử cô ấy đi thì cô ấy phải ở nhà thôi.
Bách Điệp lớn tiếng hơn, cô cố tình buộc tội Quế Lâm:
- Hợp đồng chỉ có bốn ngày mà Quế Lâm đi một tuần lễ. Anh làm chồng gì mà chẵng có quyền hạn gì cả. Em nghĩ anh nên ly dị là tốt nhất.
Hoài Bảo năn nỉ:
- Anh đã nói với em rồi, chuyện ly dị để từ từ anh tính. Trước sau gì cũng phải xảy ra thôi. Em nói như vậy, Quế Lâm mà nghe được , liệu Quế Lâm có còn tôn trọng em không?
Giọng Bách Điệp ngang bướng:
- Em không cần biết! Cô ấy muốn xem em là gì cũng được, miễn sao có anh bên cạnh là em hạnh phúc rồi.
Quế Lâm đi vào cố giữ giọng bình tĩnh:
- Vậy thì chị sẽ được toại nguyện. Tôi sẽ không giành Hoài Bảo với chị đâu.
Hoài Bảo không ngờ Quế Lâm đã nghe hết câu chuyện. Anh hỏi một cách thờ ơ:
- Em về nãy giờ à?
Quế Lâm gật đầu:
- Tôi đã nghe tất cả. Tôi muốn anh nói thẳng với tôi những gì anh muốn nói, Hoài Bảo ạ. Cũng như chuyện ly dị mà anh vừa mới nói lúc nãy.
Nhìn gương mặt vô tội của Quế Lâm, Hoài Bảo cảm thấy ân hận về lời nói của mình nên anh đành lặng thinh. Bách Điệp thấy vậy, cô rít lên để chọc giận Hoài Bảo:
- Cô tử tế quá nhỉ! Có chồng rồi mà không biết thủ phận, đi ngao du cả tuần lễ mới về. Về đến còn bịa điều này điều nọ để bắt nạt anh Bảo. Thực tế cô muốn ly dị để theo ông thầy giáo đó thì cô cứ nói thật. Tôi nghĩ Hoài Bảo cũng chẳng cần cô lắm đâu, vì lúc nào cũng có tôi bên cạnh.
Gương mặt Quế Lâm tái nhạt bởi những lời nói độc địa của Bách Điệp. Cô không ngờ Bách Điệp lại dám nói với cô như vậy, thật quá đáng.
Quế Lâm cố dằn cơn giận, cô từ tốn:
- Tôi thiết nghĩ chuyện gia đình tôi cứ để tôi và Hoài Bảo xử lý. Hiện giờ cô là gì của ngôi nhà này mà cô lên giọng? Nếu cô còn nói xúc phạm đến tôi một lần nữa thì tôi mời cô ra khỏi đây ngay.
Quế Lâm nói xong, Bách Điệp nắm cánh tay Hoài Bảo nũng nịu:
- Anh Bảo ơi! Quế Lâm đuổi em kìa - Rồi vừa khóc, cô vừa kể - Khi em vừa đụng xe cũng vì anh, em không muốn chữa trị, em chỉ muốn trở thành người tàn phế, sao anh không bỏ em luôn đi cho rồi. Anh muốn cho em chữa đôi chân, để giờ đây em nghe những lời phũ phàng như vậy. Nếu biết trước anh nhu nhược như bây giờ thà em làm người tàn phế bên chiếc xe lăn còn đỡ tủi nhục hơn.
Thấy những giọt nước mắt của Bách Điệp lăn dài xuống má, anh đành phải năn nỉ cô:
- Bách Điệp! Em đừng có khóc nữa, anh hiểu em mà! Giờ em hãy ngoan ngoãn nghe lời anh, về đi. Mai, anh sẽ đến với em.
Bách Điệp lau khô những giọt nước mắt giả dối, cô đứng lên:
- Anh nói những gì với em thì anh phải nhớ. Giờ em về đây.
Nói xong cô đi ra cửa, không cần nói với Quế Lâm một tiếng làm như không có mặt Quế Lâm ở đây.
Chỉ còn lại hai người, Quế Lâm nói thẳng:
- Tôi nghĩ chắc là đến lúc dì Khoa phải biết tất cả rồi.
Hoài Bảo lớn tiếng:
- Tôi không muốn mẹ tôi biết, cô hiểu chưa? Cô muốn gì tôi cũng đồng ý hết, nhưng tôi không muốn mẹ tôi phải khổ.
Quế Lâm hất mặt lên hỏi:
- Anh có coi tôi là con người không chứ? Anh ép tôi đủ điều, rồi bây giờ anh lại đem Bách Điệp về đây. Anh tưởng anh làm như vậy tôi sẽ đau khổ à? Vậy thì anh đã lầm. Tôi muốn rời khỏi căn nhà này lâu lắm rồi, căn nhà mà chỉ đem đến cho tôi toàn là nước mắt kể từ hôm tân hôn cho đến bây giờ.
Hoài Bảo cũng biết mình quá đáng. Nhưng thật sự anh đâu có mời gọi Bách Điệp lại đây, tự cô ấy tìm đến để rồi chăm sóc cho anh. Đang lúc bực tức về việc Quế Lâm đi Sapa với Chí Văn, Hoài Bảo liền đón nhận Bách Điệp để trả thù sự ghen tuông của mình mà thôi.
Và những lời nói của Quế Lâm vừa rồi đã làm tim anh đau nhói: "Trong căn nhà này chỉ đem đến cho cô nước mắt mà thôi". Vậy là cô đã chẳng hiểu được anh chút nào. Trong lòng cô, anh chẳng có ý nghĩa gì hết, thật là đáng buồn.
Với đôi mắt căm hận, Quế Lâm nói tiếp:
- Tôi sẽ viết đơn ly dị và tôi sẽ rời căn nhà này ngay hôm nay, anh đồng ý chứ?
Hoài Bảo buông xuôi với vẻ chán nản:
- Cô hãy cứ làm theo ý thích của mình, tôi sẽ chấp nhận tất cả.
Trước khi đứng lên đi về phòng, Quế Lâm nói thêm một câu:
- Tự anh giải thích với dì Khoa. Nếu tôi có gặp dì, tôi cũng sẽ nói thật tất cả, tôi không thể giấu được nữa. Mong anh thông cảm cho tôi.
Hoài Bảo vẫn lặng thinh ngồi ủ rũ. Anh cảm thấy cuộc sống của anh thật là vô vị. Anh không biết rồi đây mình sẽ làm gì cho đúng và có ý nghĩa, để mọi người hiểu được và cảm thông cùng anh, trong đó có cả Quế Lâm, người mà anh cần nhất.
Sáng sớm hôm nay bà Khoa nghe trong lòng nao nao thật kỳ lạ. Bà liền gọi anh tài xế đang tưới những cây kiểng ngoài vườn.
- Hải à! Hải!
Anh Hải ngừng tưới cây, chạy vào:
- Dạ, bà chủ gọi con.
Bà Khoa với nét mặt chẳng vui:
- Mau chuẩn bị xe đưa tôi sang nhà Hoài Bảo ngay.
Anh Hải gật đầu:
- Vâng! Xin bà chờ cho năm phút!
Đến nơi, bà Khoa đi thẳng vào nhà. Không thấy ai mà cửa thì mở, bà vừa đi vào phòng khách vừa gọi:
- Quế Lâm! Đã thức dậy chưa con!
Vẫn không ai trả lời, bà ngồi xuống ghế salon. Chợt đôi mắt bà dừng lại nơi tờ giấy ca-rô cùng với xâu chìa khóa nhà. Bà cầm tờ giấy lên đọc:
- Đơn ly dị!
Bà Khoa đọc như người mất hồn. Cuối tờ đơn là chữ ký của Quế Lâm ở một bên, còn bên kia thì Hoài Bảo chưa ký.
Với sự nghi ngờ có thể Quế Lâm đã ra đi, bà liền đến phòng Quế Lâm thì trống rỗng chẳng thấy Quế Lâm đâu. Trên bàn trang điểm thì còn nguyên số nữ trang mà hôm đám cưới bà đã cho Quế Lâm, cô ra đi chẳng lấy theo một món nào cả. Bà tự hỏi: Thế này là thế nào? Còn Hoài Bảo đâu? Bà liền sang phòng kế bên đẩy mạnh cửa bước vào, Hoài Bảo vẫn còn nằm trên giường với giấc ngủ say.
Đến bên Hoài Bảo, bà lay nhẹ vai anh:
- Bảo à! Bảo! Dậy mau! Quế Lâm nó đã đi đâu rồi?
Hoài Bảo tỉnh giấc khi nghe tiếng mẹ, anh hỏi lại:
- Mẹ nói gì? Sao mẹ đến sớm thế?
Không nói nhiều, bà Khoa buông gọn:
- Mẹ xuống phòng khách đợi con!
Khi Hoài Bảo đã tươi tỉnh ngồi xuống đối diện với bà, bà hỏi như một quan tòa:
- Con hãy giải thích cho rõ về cái đơn này!
Bà chỉ cái đơn ly dị trên bàn cho Hoài Bảo thấy.
Hoài Bảo cầm lên xem. Vậy là Quế Lâm đã ra đi. Cô muốn trả tự do cho anh nên đã để lại đơn này và cô đã ký tên.
Giờ đây Hoài Bảo phải kể hết tất cả sự thật giữa anh và Quế Lâm cho mẹ anh nghe, dù bà có buồn anh cũng không giấu được nữa. Giọng anh trầm trầm:
- Trước khi con đám cưới với Quế Lâm, con đã yêu một cô gái khác. Nhưng vì nghe lời mẹ, con cố gắng quên cô gái ấy đi, để sống bên Quế Lâm cho hạnh phúc.
Rồi Hoài Bảo ngập ngừng:
- Nhưng không ngờ...
Bà Khoa bắt ngang:
- Cô gái đó tên là gì ở đâu?
Hoài Bảo trả lời mẹ:
- Đó là Bách Điệp, cùng đi học ở Úc với con.
Bà lại cao giọng:
- Nói tiếp đi!
Hoài Bảo lại tiếp tục kể:
- Không ngờ đêm tân hôn của con và Quế Lâm thì Bách Điệp bị đụng xe và vào bệnh viện.
Bà Khoa cướp lời:
- Rồi con đến đó ở suốt đêm phải không?
Hoài Bảo gật đầu:
- Vâng! Bách Điệp bị chấn thương cả đôi chân không đi lại được.
Bà Khoa lớn tiếng:
- Và con đã lo lắng cho nó đến bây giờ?
Hoài Bảo lắc đầu:
- Tuy không có tình yêu với Quế Lâm , nhưng con biết Quế Lâm là một người con gái khó tìm vì những đức tính tốt của cô ấy, nên con quyết lòng từ bỏ Bách Điệp và đem đến cho Bách Điệp một số tiền để Bách Điệp trị đôi chân.
Bà Khoa thắc mắc:
- Nếu con dàn xếp được như vậy thì tại sao Quế Lâm lại bỏ đi?
Hoài Bảo rắn rỏi đáp:
- Quế Lâm cũng có lỗi một phần về chuyện ly hôn này.
Nói xong, Hoài Bảo đi về phía tủ cầm xấp hình đưa cho bà Khoa xem:
- Mẹ xem đi!
Bà Khoa xem một cách bình thản, rồi bà nhận xét:
- Nhìn nét mặt Quế Lâm thật là vô tư lự. Mẹ nghĩ chắc có ai đó muốn hại Quế Lâm thôi.
Nếu thật như mẹ nói thì chuyện Quế Lâm và Chí Văn đi Sapa thì sao? Anh có thể tin tưởng cô không?
Nhìn vẻ mặt Hoài Bảo, Bà khoa hỏi:
- Còn chuyện gì nữa nói luôn đi, để mẹ gỡ rối giùm cho.
Nếu biết mẹ hiểu chuyện như vậy, anh đã nói cho mẹ biết ngay từ lúc đầu thì giờ này chắc anh và Quế Lâm đang sống chung hạnh phúc lắm.
Do dự hồi lâu, Hoài Bảo nói thật:
- Vừa rồi, Quế Lâm đi với Chí Văn đến Sapa một tuần lễ. Mẹ có thể tin tưởng Quế Lâm không?
Bà Khoa hơi ngạc nhiên hỏi:
- Chí Văn là ai vậy?
Hoài Bảo nói luôn:
- Chí Văn là thầy giáo của Quế Lâm, chụp chung hình với Quế Lâm đó mẹ.
Suy nghĩ hồi lâu, bà Khoa phán:
- Mẹ tin tưởng Quế Lâm! Quế Lâm với tư cách là đi công tác thôi. Còn Chí Văn, theo cách hiểu của mẹ thì Chí Văn đã thương Quế Lâm thật lòng rồi, cho nên mới yêu cầu Quế Lâm làm hướng dẫn viên cho cậu ấy.
Rồi bà trách Hoài Bảo:
- Việc đã thế này mà con vẫn còn muốn giấu mẹ, thật là quá đáng.
Hoài Bảo thật lòng:
- Vì con sợ mẹ buồn nên con và Quế Lâm cố tình giấu mẹ.
Để biết rõ thêm tình tiết, bà Khoa hỏi thêm:
- Do con ghen nên khi Quế Lâm về, con nặng nhẹ với Quế Lâm, rồi Quế Lâm viết đơn ly dị phải không?
Hoài Bảo lắc đầu buồn thiu:
- Không phải vậy! Mà khi Quế Lâm vừa về đến thì bắt gặp Bách Điệp ở đây và đang nấu cơm cho con ăn.
Bà Khoa tức giận:
- Vậy là con quá đáng lắm rồi! Tại sao con lại làm như vậy hả bảo?
Hoài Bảo lại thật thà:
- Cũng vì con tức Quế Lâm mà con đón nhận Bách Điệp một cách không suy nghĩ.
Bà Khoa hỏi gằn:
- Giờ thì con cảm thấy hối hận chưa?
Hoài Bảo từ tốn:
- Mẹ ơi! Con nghĩ nếu Quế Lâm thật sự muốn như vậy, thì mình đừng nên ràng buộc cô ấy nữa. Hãy trả tự do cho Quế Lâm. Bách Điệp cũng tốt với con lắm, Bách Điệp rất nặng tình nặng nghĩa với con.
Bà Khoa khoát tay khuyên:
- Hiện tại con chẳng suy nghĩ gì đúng cả! Con cứ việc nghỉ ngơi, hãy để mọi việc qua một bên. Con nghe lời mẹ như vậy là tốt rồi. Còn mọi việc để đó mẹ lo.
Hoài Bảo không đồng ý với lời khuyên của mẹ, anh nói:
- Mẹ ơi! Con đã nghe lời mẹ một lần rồi và con thấy chỉ làm đau khổ cả ba người, trong đó có cả Quế Lâm và Bách Điệp. Từ hôm nay, con muốn mẹ để cho con quyết định mọi việc riêng, được không mẹ?
Bà Khoa ngần ngại hỏi:
- Liệu con có sáng suốt không, hay là con lựa chọn một cách sai lầm.
Hoài Bảo cười buồn:
- Mẹ quên là con đã gần ba mươi tuổi rồi hả mẹ.
Bà Khoa cảm thấy buồn khi mọi chuyện đã dở dang như vậy. Nhất là Quế Lâm không được hạnh phúc, bà cảm thấy có lỗi với người đã mất. Bà đã không hoàn thành lời hứa, thật đau khổ biết bao.
Thấy vẻ đau khổ hằn lên nét mặt mẹ, Hoài Bảo an ủi bà:
- Mẹ cũng đã thực hiện lời hứa với dì Hà rồi. Nhưng mọi chuyện xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta thì có thể trách ai được phải không mẹ? Mẹ cũng đừng buồn rầu nữa, con nghĩ chắc con và Quế Lâm không có duyên nợ nên không thể sống với nhau đến trọn đời được.
Bà Khoa cố giữ cho nét mặt bỉnh thản, bà hỏi:
- Vậy là con vẫn còn yêu Bách Điệp đúng không? Còn Quế Lâm, con chỉ nghĩ là một cô gái tốt mà con đang cần.
Hoài Bảo gật đầu.
Bà Khoa gằn giọng:
- Mẹ mong rằng con nghĩ cho chín chắn hơn, để không hối hận như bây giờ.
Trong lòng bà Khoa vẫn không tin tưởng về Bách Điệp cho lắm, dù rằng bà chưa gặp mặt Bách Điệp lần nào. Nhưng bà cảm thấy cô gái này không đơn giản như Hoài Bảo đã nghĩ. Bằng mọi cách, bà sẽ tìm hiểu cho ra nguyên nhân. Như không để cho Hoài bảo biết ý nghĩ của mình, bà ngọt ngào:
- Con và Bách Điệp đã quan hệ đến mức nào rồi? Có khắng khít lắm không?
- Con và Bách Điệp vẫn chưa vượt qua ranh giới của tình yêu.
Bà Khoa gật gù:
- Vậy thì tốt! Thực tế, chuyện con và Quế Lâm chưa giải quyết xong, nên chuyện con và Bách Điệp từ từ hẵng tính nhé con.
Hoài Bảo gật đầu:
- Vâng, con hiểu! Nhưng con muốn mẹ gặp mặt Bách Điệp một lần, có được không mẹ?
Nghe Hoài Bảo nói vậy, bà Khoa nghĩ: Nếu trực tiếp gặp Bách Điệp, bà sẽ có điều kiện để tìm hiểu thêm về cô gái mà bà không mấy tin tưởng này. Nghĩ vậy, bà dễ dãi:
- Nếu con muốn thế thì hôm nào có dịp dẫn Bách Điệp về cho mẹ biết mặt. Nhưng con vẫn giữ kín mọi chuyện, đến bao giờ con và Quế Lâm đã ly dị xong.
Nghe mẹ nói vậy, Hoài Bảo hỏi luôn:
- Còn chuyện con và Quế Lâm có nên đưa đơn ra tòa không hả mẹ?
Bà Khoa suy nghĩ rồi nói:
- Hãy chờ mẹ một tháng nữa rồi tùy con quyết định.
Hoài Bảo dò hỏi:
- Mẹ sẽ gặp Quế Lâm?
Bà Khoa gật đầu:
- Mẹ muốn dò xét Quế Lâm một thời gian để tìm hiểu rõ tâm ý của cô ấy. Lúc đó mẹ cũng chẳng ép buộc gì, mẹ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của con và Quế Lâm khi các con đã lớn và sẽ không trách mẹ nữa.
style="padding-top: 15px;">class="sig_02">class="sig_03">class="sig">class="signature_div">class="sig_05">class="sig_06">